Thầy tôi
Lượt xem:
Thầy tôi
Tác giả : Trần Hậu Dũng – Hiệu trưởng trường
Thầy tôi năm nay tròn 80 tuổi thầy đã thực sự xa mái trường và bục giảng 27 năm với 33 năm gắn bó với nghề dạy học cao quý. Được sinh ra nơi miền quê cát trắng gió Lào đất cằn khô bạc, nhưng nơi đây có một nền văn hoá lâu đời và là nơi có truyền thống hiếu học, con người nơi đây thanh lịch, trọng nghĩa khí, giàu tình người, nổi tiếng cả xứ Hà Tỉnh từ ngàn xưa, nói về mảnh đất này người xưa truyền lại rằng :
Đất đã nên đất, thuỷ tụ long hồi
Người đã nên người, nam thanh nữ tú.
Gia đình Thầy tôi là một gia đình dấu ấn lịch sử của thời đại, thời đại mà nho học nhường chổ cho những giá trị khoa học cho sự cách tân, âu hoá những năm 30 mươi của thế kỷ XX đầy biến động của đất nước của thời đại .
Thân phụ Thầy tôi Bùi Tử Huy là thầy giáo, kiêm nghề thầy thuốc và là Đảng viên cộng sản đầu tiên của làng Phong Phú Tổng Hạ Nhị nay là xã Thạch Khê – Thạch Hà –Hà Tỉnh. Thân mẫu Bùi Thị Huyên thuộc hậu duệ của quan phó bảng Bùi Thố, vinh quy bái tổ năm 1849. Khi Pháp sang xâm lược Ông bất đồng với phái chủ hoà, sự ươn hèn của triều Nguyễn nên đang làm án sát Tỉnh Bình Định cáo quan về quê Thạch Khê dạy học và cho năm người con tham gia khởi nghĩa Phan Đình Phùng.
Thầy tôi là con trai út của gia đình có năm anh em, trong đó có hai người làm thầy giáo,bản thân thầy tôi được học phổ thông trung học tại Thủ Đô Hà Nội những năm cuối của phập kỷ sáu mươi thế kỷ trước. Thầy tiếp bước nghề dạy học của truyền thống gia đình như một duyên nghiệp .
Mái trường mà thầy tôi gắn bó máu thịt một đời dạy học là trường PTCS Lê Hồng Phong quê tôi. Trên quê hương yêu dấu của mình với một giáo viên dạy văn, với một tâm hồn luôn tơi mới một phong cách phóng khoáng, hào hiệp thầy tôi đã có một bề dày thành quả dạy học và nhiều danh hiệu nghề nghiệp cao quý từng là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Trong hàng trăm học sinh được thầy dày công vun trồng về kiến thức, khơi gợi khát vọng vươn lên, khuyến khích về ý chí tự lập của bản thân. Các anh chị đã trưởng thành bay cao và bay xa trên muôn nẻo đường trở thành các bác sỹ, kỷ sư nhà giáo, nhà khoa học đã là học tại trường PTSC Lê Hồng Phong được thầy giảng dạy hoặc được thầy tư vấn nghề nghiệp và tương lai khi bước vào đời .
Thầy tôi đến Đak Lak năm 1984 giảng dạy và làm các bộ quản lý tại trường PTCS 717 qua 4 lần chia tách có tên là trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân thuộc xã Cư Yang – Huyện Ekar –Tỉnh Đak Lak. Tại đây thầy được biết đến là một thầy giáo có bề dày kinh nghiệm với kiến thức phong phú sâu rộng về giảng dạy văn trong chương trình PTCS có thể nói là cây đại thụ trong làng giáo huyện Eakar.
Là giáo viên chuyên ngành văn nhưng vì thiếu giáo viên dạy thầy đảm nhận giảng dạy toán, lý của các lớp 8, 9 nhiều năm liền của trường PTCS 717. Người ta biết đến thầy với kiến trúc sư của các bài dạy giúp các thầy cô khi tham gia dự thi giáo viên giỏi các cấp ở tất cả các môn toán, lý, văn học giáo viên tiểu học, mầm non. Các thầy cô đồng nghiệp tìm đến thầy như tìm đến cuốn bách khoa từ đển của người dạy học.
Cũng từ mái trường PTCS 717 này trên cương vị hiệu trưởng là người thầy, người anh, thầy đã chăm lo bồi dưỡng đào tạo nên nhiều cán bộ quản lý tài năng của huyện Eakar và nhiêu nơi khác trong số đó ta biết đến các thầy cô các bộ quản lý đương chức như Thầy Dương Văn Vượng, Thầy Đặng Trần Thuần, cô Dương Thị Huyên…
Trong cuộc sống đời thường thầy tôi nổi tiếng với phong cách phóng khoáng của một nhà giáo, hùng biện triết lý của một người phản biện xã hội. Nho nhã lịch thiệp, trong đối đãi giao tiếp, hào hiệp rộng rãi trong giao lưu hội hè, yêu thương ân cần với học trò .
Thầy là chiến hữu, thân hữu với nhiều thầy giáo như Thầy giáo Phạm Công Nghĩa nguyên trưởng phòng giáo dục đào tạo, nhà báo phó tổng biên tập tạp chí Chư Yang Sin Nguyễn Hồng Chiến, các thầy giáo Dương Minh Văn, Phan Văn Thành … Họ thường nhớ đến thầy tôi với nhiều tuyệt phẩm khác nhau.
Tính đến nay Thầy tôi đã nghỉ hưu 27 năm, như tôi được biết thầy chưa thật sự nghỉ ngơi ngày nào. Thầy thành lập hội cờ, hội giao lưu cà pê, uống trà đàm đạo văn chương, thế sự, nghề nghiệp. Nay đã 80 tuổi thầy vẫn đọc sách, lên mạng tìm các tin tức về khoa học giáo dục thời sự vẫn hấp dẫn cuốn hút thầy một cách say mê. Các đề tài nóng hổi của giáo dục như chương trình Tiếng Việt Công nghệ của giáo sư Hồ Ngọc Đại, chương trình trường học mới VIEN vấn đề thay đổi chương trình phổ thông không xa vời với thầy tôi.
Từ năm 2004 đến 2016 thầy đảm nhiệm chức vụ phó chủ tịch thường trực hội khuyến học xã Cư Bông với kinh nghiệm của một nhà giáo, thầy cùng tập thể BCH cơ sở hội xây dựng khuyến học xã Cư Bông đứng đầu huyện Eakar và là Đơn vị xuất sắc tiêu biểu nhiều năm liền và là điểm sáng của phong trào khuyến học tỉnh Đak Lak(Lời của nhà giáo chủ tịch hội khuyến học Tỉnh Đak Lak Thầy giáo nhà giáo ưu tú Hà Ngọc Đào). Trên cương vị Chủ tịch hội cựu giáo chức hai xã Cư Bông Cư Yang nhiều năm liền Thầy tôi có những các làm sáng tạo mới mẻ khác người đưa phong trào hội thật sự là điểm sáng của huyện nhà.
Bước vào năm 2017 Thầy tôi 80 tuổi (thầy sinh năm 1937) thầy như hơn vui, vui vì có hai người con nối nghiệp là những thầy cô giáo có uy tín. Vui vì hạnh phúc tuổi già với người vợ hiền thục đức hạnh, con cháu đông đúc hoà thuận bên ngôi nhà với phong cảnh trên vườn sau ruộng đầy cây trái dưới ao cá lội tung tăng, cảnh điền viên vui thú nhàn tản như phong cách nhà nho nhà giáo xưa. Vui vì sức khoẻ vẫn cho phép thầy ra bắc vào nam thăm anh em bạn bè, gặp gỡ học trò cũ mọi miền tổ quốc. Vui vì hạnh phục một đời trọn vẹn sắt son chung thuỷ với nghề dạy học cao quý mà giờ đây không bao giờ thưa vắng với nhà thầy những cuộc thăm hỏi của nhiều thế hệ học trò, đồng chí, đồng nghiệp, bạn tâm giao mọi miền quê những ngày lễ tết dịp 20/11. Hạnh phúc này tạo hoá không dễ ban tặng cho nhiều người. May mắn cho thầy tôi có được vinh hạnh đó.
Thầy ơi ; Tháng mười một lại về trong tiết trời heo may, se lạnh ở gần thầy mà sao em nhớ thầy da diết hơn bao giờ hết. Trong ký ức em lại hiện về những bài giảng xưa trong các giờ dạy nhất là giờ giảng văn với những bài thơ, bài văn thầy dạy như những bài Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh, nghe tiếng giã gạo của Hồ Chủ Tịch, quê hương của Giang Nam, cây tre Việt Nam của Thép Mới.. Nhớ giọng Nghệ trầm ấm sâu đọng say sưa của Thầy trên bục giảng. Tất cả với em như mới hôm qua, hiện hữu trong hôm nay và mãi mãi không phai mờ với nhiều thế hệ học sinh được thầy giảng dạy vun đắp, chăm bẵm trong cuộc đời và sự nghiệp của mình.
Những ngày này, những người học trò củ của thầy dù ở đâu làm gì ai cũng nhớ về thầy cô mình với lòng tôn kính và ngưỡng mộ, giành cho thầy sự trân trọng lắng đọng nhất trong nỗi nhớ chung về thầy cô mình.
Thay lời cho các anh, chị, các bạn dịp 20/11 mừng thọ thầy 80 tuổi. Kính chúc thầy trường thọ, mãi mãi là thầy giáo của những người thầy với nghề dạy học mà chúng ta lựa chọn gắn bó máu thịt.
Xin kết thúc bài viết này bằng câu ngạn ngữ sau :
Yêu trẻ thì trẻ đến nhà.
Kính già, già để tuổi cho.
Viết từ mái trường Tiểu Học Nguyễn Viết Xuân yêu dấu thuộc Cư Yang tháng 11/2017.