THẦY HIỆU TRƯỞNG ĐẦU TIÊN

Lượt xem:

Đọc bài viết

THẦY HIỆU TRƯỞNG ĐẦU TIÊN

( Nguyễn Phương Hà)

Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và hai cuộc chiến tranh biên giới, đất nước lại bị bao vây cấm vận và chìm trong khủng hoảng, đời sống của nhân dân lâm vào cảnh khó khăn, nghèo đói, thiếu thốn đủ bề. Trước tình hình ấy, Đảng và Nhà nước đã vận động nhân dân các tỉnh đồng bằng lên xây dựng kinh tế mới ở vùng đất Tây Nguyên. Thực hiện chủ trương đó, người dân xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh cùng nhiều vùng khác trên cả nước đã vào địa bàn buôn Trưng, xã Krông Jing, huyện MaĐrắk ( nay là xã Cư Giang, Cư Bông của huyện EaKar), tỉnh Đắk Lắk, làm kinh tế mới, cùng Trung đoàn 717, Sư đoàn 333 ( Đến năm 1985, Trung đoàn 717 chuyển đổi thành Nông trường 717 thuộc Liên hiệp xí nghiệp 333). Trong đoàn người dân đi kinh tế mới ngày ấy có gia đình thầy Dương Đình Cúc với bảy nhân khẩu. Thầy Dương Đình Cúc ( 1930 – 2019) quê ở xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Nghệ Tĩnh ( nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh). Thuở thiếu thời, thầy được gia đình cho ăn học hết bậc Thành chung (thời Pháp thuộc) rồi làm nghề dạy học từ năm 1948 ( trong kháng chiến chống Pháp) tới mãi sau này. Với vốn kiến thức uyên bác về văn học và lịch sử, giọng nói đầy sức truyền cảm và thuyết phục, thầy đã trở thành một nhà giáo khá nổi tiếng trong huyện, trong tỉnh. Thầy đã làm hiệu trưởng hàng chục năm liền ở nhiều trường cấpII ( nay là Trung học cơ sở) trên địa bàn huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh trước khi vào Đắk Lắk. Nhớ lại những ngày đầu đến vùng đất mới, nơi đứng chân của Trung đoàn 717 thuộc Sư đoàn 333 là một địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện M’Đrắk, gần các buôn của đồng bào Ê Đê, M’ Nông bản địa. Cả một vùng hoang sơ chỉ thấy bạt ngàn rừng rậm, đồi núi trập trùng và và những sông suối cuộn trào, thú rừng, chim muông nhiều không kể hết, cỏ tranh, cỏ lác, cỏ thẹn vượt cả đầu người, trải ra mênh mông bất tận. Ra quốc lộ 26 phải đi qua một con suối lớn và con đường đất đỏ khoảng 25 km, mùa mưa thì lầy lội, trơn trượt, mùa khô thì lại bụi mù trời. Người có công việc cần đến huyện lỵ M’Đrắk phải đi vài chục cây số, phải vượt qua dốc Cổng Trời thăm thẳm,hun hút gió mây, trong khi việc đi lại ngày ấy chủ yếu là đi bộ hoặc may mắn thì có chiếc xe đạp. Đời sống của người dân kinh tế mới còn tạm bợ với nhiều khó khăn, thiếu thốn lại thêm bệnh tật hoành hành, đặc biệt là bệnh sốt rét ác tính, văn hoá, giáo dục gần như là một vùng trắng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của lãnh đạo Trung đoàn 717, người dân lao động cần cù, sáng tạo, đất đai rộng lớn và màu mỡ, sắn, khoai, ngô đậu tươi tốt và năng suất cao nên đời sống nhân dân sớm ổn định và ngày càng được cải thiện. Nhưng cũng từ đó, một vấn đề xã hội nảy sinh là cả một vùng rộng lớn có những buôn làng của người dân tộc bản địa và đồng bào các dân tộc khác ở phía Bắc, dân di cư tự do và dân đi kinh tế mới vào làm công nhân ở Trung đoàn 717 với hàng trăm em thiếu niên, nhi đồng độ tuổi cắp sách tới trường mà không có lấy một trường học nào, nhất là những em đang học các trường phổ thông ở ngoài Bắc phải tạm nghỉ học để theo gia đình vào vùng đất mới. Vùng Nghệ Tĩnh vốn là dân có truyền thống hiếu học nên nhiều gia đình công nhân, nông dân gốc xã Thạch Khê ở địa bàn Trung đoàn 717 rất hoang mang, lo lắng cho tương lai của con cháu mình, nhiều bà con muốn hồi hương để cho con em được đi học, dù biết ở quê đời sống vật chất rất khó khăn, nghèo đói. Là một nhà giáo hàng chục năm gắn bó với nghề dạy học và quản lý giáo dục, thầy Dương Đình Cúc nhiều đêm thao thức không ngủ, suy tư và trăn trở về vấn đề giáo dục và quyết định dấn thân cho sự nghiệp trồng người ở vùng đất hoang sơ này. Thầy đã bàn với thiếu tá Phạm Ngọc Vấn – trung đoàn trưởng Trung đoàn 717 và chính uỷ Trung đoàn Trần Văn Tiệm ý định và kế hoạch mở trường học trên địa bàn Nông trường. Ý tưởng của thầy đã được lãnh đạo Trung đoàn nhiệt tình hưởng ứng và ủng hộ vì trước đó, Trung đoàn cũng đã có ý định mở trường học nhưng chưa thể thực hiện được. Kế hoạch là lãnh đạo Trung đoàn lo cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp còn thầy lo về chuyên môn, tổ chức quản lý dạy và học. Thống nhất được chủ trương mở trường rồi, thầy lặn lội lên phòng Giáo dục huyện M’Đrắk và Ty Giáo dục Đắk Lắk để xin quyết định thành lập trường. Giải quyết được thủ tục hành chính, lại đến vấn đề đội ngũ giáo viên vì ở các khối lớp từ Mẫu giáo, Cấp I, Cấp II đều có học sinh cần được học tập. Thầy lại đến từng nhà những người trước đây là giáo viên, nay cùng gia đình vào làm kinh tế ở đây để động viên, tập hợp họ lại cùng tham gia hoạt động giảng dạy, xây dựng nhà trường. Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, tháng 9 năm 1982, mấy căn nhà tranh vách đất vốn là nhà ở của bộ đội ở khu nông trường bộ Nông trường 717 đã được cải tạo thành những phòng học và đã có những lớp học sinh được khai giảng, đó chính là tiền thân của Trường phổ thông cơ sở 717. Thầy Dương Đình Cúc trở thành hiệu trưởng đầu tiên của Trường, thầy Dương Đình Mai là phó hiệu trưởng. Đội ngũ giáo viên ngày càng được bổ sung đông đảo: Thầy Hồ Xuân Tùng, thầy Bùi Đàn; giáo viên tiểu học có thầy Nguyễn Duy Nhâm, cô Châu, cô Tam, cô Lương, cô Mì, cô Kỷ…; giáo viên mầm non có có cô Hương, cô Mùi…Học sinh các khối có khoảng hai trăm em được vui tươi cắp sách đến trường. Đến năm học 1983 – 1984, Trường được xây dựng mới tại vị trí của của Trường THCS Hoàng Hoa Thám bây giờ với 6 phòng xây lợp ngói, hai phòng nhà gỗ lợp tranh vách đất làm phòng học và năm phòng ở cho giáo viên, ở các đội sản xuất còn có các lớp mẫu giáo, mầm non. Người dân địa bàn Trung đoàn 717 và các vùng lân cận biết tin trường được mở, rất phấn khởi và cho con em theo học ngày càng đông, học sinh từ địa bàn Nông trường 714 và cả ở trung tâm Sư đoàn 333 ( nay là khu vực chợ Bình Minh) cũng vào đăng ký học, vì vậy số lượng học sinh và các khối lớp ngày càng nhiều, thầy trò Nhà trường thêm phấn khởi, ra sức thi đua “ Dạy tốt – Học tốt”, đạt những thành tích đáng ghi nhận.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của Nhà trường, thầy Dương Đình Cúc đã giới thiệu nhiều học sinh tốt nghiệp của Trường lên đào tạo tại Trường Trung học sư phạm Đắk Lắk, Trường Cao đẳng sư phạm Buôn Ma Thuột ( nay là Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk) thành những giáo viên tiểu học và trung học cơ sở trở về công tác tại Trường, nhờ vậy, Nhà trường có đội ngũ giáo viên đông đảo và chất lượng như ngày nay. Thầy vừa làm công tác quản lý vừa trực tiếp tham gia giảng dạy môn Văn và môn Sử cho nhiều lớp. Bằng kinh nghiệm công tác lâu năm và uy tín của mình, thầy quản lý Nhà trường chặt chẽ, nền nếp, vừa nghiêm túc vừa chân tình, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, giải quyết thấu tình đạt lý những vấn đề quan hệ phức tạp trong đội ngũ giáo viên cũng như quan hệ giữa Nhà trường với Trung đoàn 717 và quần chúng nhân dân trong địa bàn. Nhờ vậy, Nhà trường không ngừng phát triển, đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường đã trở thành một tập thể sư phạm đoàn kết, nhiệt tình công tác và tận tâm với nghề nghiệp, với học sinh. Sau mấy năm gắn bó xây dựng và phát triển Nhà trường, đến mùa hè năm 1984, thầy nghỉ hưu theo chế độ, sống với gia đình con cháu và niềm vui cùng văn chương, thơ phú.
Gần bốn mươi năm đã trôi qua kể từ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, từ cái nôi là Trường phổ thông cơ sở 717, giờ đây đã phát triển thành một hệ thống gồm 7 trường từ Mầm non đến Tiểu học và Trung học cơ sở, trong đó có ba trường được công nhận là trường chuẩn quốc gia. Tiêu biểu nhất là Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, 6 năm liền được nhận danh hiệu “ Tập thể lao động xuất sắc” và hai lần được UBND tỉnh tặng bằng khen. Nhiều học sinh của Trường đã trưởng thành, tung cánh khắp vùng trời tổ quốc, nhiều người đã thành đạt, trở thành những nhà giáo, kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân, sĩ quan quân đội và công an, vv…góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Kỷ niệm ngày thành lập Trường, nhớ về thời kỳ “ khai thiên lập địa” ở vùng đất Cư Giang, Cư Bông đầy khó khăn, gian khổ, lại bùi ngùi nhớ thầy hiệu trưởng đầu tiên của Trường phổ thông cơ sở 717 với với dáng người thanh tú, mái tóc hoa râm, trang phục giản dị với chiếc áo vets cũ sờn pha màu thời gian, giọng nói trầm ấm, chân tình pha chút hóm hỉnh phảng phất chất “Đồ Nghệ” mà đầy sức thuyết phục. Đó là thầy Dương Đình Cúc – người khai phóng sự nghiệp giáo dục đầy chất nhân văn cho vùng đất này. Nay thầy đã đi mãi vào miền cực lạc nhưng hình ảnh của thầy vẫn in đậm trong tâm trí và tình cảm của người dân Nông trường 717, xã Cư Giang và Cư Bông, cũng như nhiều thế hệ đồng nghiệp và học sinh của nhà Trường, động viên mọi người đoàn kết phấn đấu, thi đua dạy tốt – học tốt, xây dựng Nhà trường ngày càng vững mạnh và phát triển.

______________________________